Cấu tạo và đặc tính âm thanh Đàn hồ

Cấu tạo

Đàn gáo, một trong các họ hàng của đàn hồ

Đàn hồ có cấu tạo khá đơn giản, gồm có:

  • Hộp cộng hưởng hình trụ tròn, trụ lục giác, trụ bát giác, nửa hình cầu hoặc parabol tròn xoay (tùy theo từng nơi chế tạo). Mặt hộp cộng hưởng làm bằng da thú hoặc da trăn đã thuộc và phơi sấy khô căng đều lên mép hộp. Đây là nhược điểm của loại mặt đàn này, khi không khí ẩm hoặc mặt đàn bị dính nước, âm thanh của đàn sẽ kém vang và bị sai lệch nhiều.
  • Cần đàn hình trụ tròn, làm bằng loại gỗ cứng đã phơi khô, tẩm sấy, ít biến dạng, được cắm vào hộp cộng hưởng phía gần mặt da. Để tạo thuận loại cho nhạc công di chuyển bàn tay trái khi bấm dây, cần đàn được bào nhẵn, phủ sơn ta hoặc vecni. Để tạo dáng, đầu trên của cần đàn thường được uốn cong.
  • Đàn hồ có hai dây. Dây đàn hồ cổ được làm bằng ruột mèo phơi khô, thái thành sợi mỏng. Dây đàn hồ hiện nay thường được làm bằng tơ tằm, tơ nhân tạo (haegeum Hàn Quốc) hoặc nilon. Cũng có một số loại dùng dây kim loại nhưng âm thanh không mượt. Một đầu dây quấn vào tay quay định âm, một đầu cố định ở phía dưới đáy đàn.
  • Tay quay định âm được làm bằng gỗ cứng, xỏ qua lỗ đục sẵn trên phía đầu cần đàn.
  • Chốt định âm (thường được gọi là con ngựa) được đặt vào khoảng giữa mặt da, có tác dụng tách hai dây đàn với một khoảng cách từ 0,5 (hồ) đến 1,5 cm (hồ đại) và áp vào hộp cộng hưởng để nâng dây đàn khỏi mặt đàn.
  • Cung kéo được làm từ lông đuôi ngựa (mã vĩ), căng trên một cành trúc (tre) nhỏ tạo thành hình cánh cung. Khác với đàn Violon của phương Tây có mã vĩ rời bên ngoài và trượt trên 4 dây đàn; dây mã vĩ của đàn hồ đi qua khoảng cách giữa hai dây. Lông đuôi ngựa trượt trên dây đàn tạo ra âm thanh. Để tăng độ ma sát khi kéo đàn, người ta thường dùng miếng nhựa thông chà xát vào lông đuôi ngựa. Ngày nay, các nghệ sĩ thường dùng cung vĩ của đàn violon với tính năng tương đương để có thể xếp gọn dọc theo cần đàn khi cất giữ hoặc di chuyển.
  • Dây níu: Để định âm cho từng âm vực khác nhau theo bản nhạc hoặc phù hợp theo giọng hát khi đệm cho ca sĩ, người ta thường dùng dây níu để rút ngắn hoặc kéo dài khoảng cách phát âm của dây đàn, tạo ra âm vực trầm, bổng khác nhau.

Đặc tính âm thanh

Đàn hồ có âm vực thấp hơn đàn nhị từ 3 đến 8 cung bậc. Riêng hồ đại có âm vực thấp hơn nhị từ 16 đến 20 cung bậc. Âm sắc mờ đục nhưng đầy đặn, tạo cảm giác trầm mặc, khỏe khoắn, vững chãi. Trong ca nhạc dân tộc và kịch hát dân tộc (chèo, tuồng, cải lương của Việt Nam, kinh kịch của Trung Quốc); đàn hồ thường được dùng để đệm cho giọng nam trung, nam trầm, nữ trung. Đây cũng là loại đàn đặc trưng của nghệ thuật hát xẩm khi diễn tấu với trống khẩu và các loại phách[3].

Kỹ thuật định âm

Đàn hồ có 2 dây được định âm cách nhau 1 quãng năm đúng, âm vực rộng hơn 2 quãng tám, nhưng thường được các nhạc sĩ viết trong vòng 2 quãng tám. Kỹ thuật sử dụng đàn hồ cũng giống như đàn nhị nhưng do nó có kích thước lớn hơn, cần đàn và dây đàn dài hơn nên người biểu diễn phải sử dụng thế bấm xoạc rộng hơn. Đối với đàn hồ, nhạc công chỉ có thể bấm trên 1 dây trong vòng 1 quãng 4 đúng, song nếu sử dụng đàn nhị họ có thể bấm quãng rộng hơn.

Lên dây đàn Hồ

Tầm âm của đàn Hồ